Đỗ Động là một xã thuộc huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Xã Đỗ Động có diện tích 6,36 km², dân số năm 1999 là 4.766 người, mật độ dân số đạt 749 người/km². Đỗ Động là một trong những xã đang phát triển mạnh về nông nghiệp của huyện Thanh Oai. Những năm qua, nông dân xã Đỗ Động đã đưa nhiều giống lúa vào canh tác trong đó có giống lúa bắc thơm số 7 và đài thơm số 8. Đây là những giống lúa thuần do Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo, được người dân xã Đỗ Động đưa vào trồng nhiều năm nay. Người dân ở xã Đỗ Động chia sẻ, lúa là cây trồng chủ lực của địa phương nên khi bắt đầu gieo cấy người dân đều rất chú ý và tuân thủ về mặt kỹ thuật. Qua các mùa vụ cho thấy, giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, bộ lá to, dày; khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt; năng suất đạt 58-60 tạ/ha. Sản phẩm phù hợp với chất đất và khí hậu nơi đây nên cho sản phẩm chất lượng khá tốt: hạt gạo trong, cơm ngon, mềm, dẻo, thơm đặc trưng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng…Tổng diện tích trồng lúa cho 2 giống gạo này trên địa bàn xã Đỗ Động là 200 ha và với tổng hiện có khoảng 1.500 hộ trồng.

– Địa hình:

Đỗ Động có địa hình tương đối bằng phẳng với 2 vùng rõ rệt là vùng đồng bằng sông Nhuệ và vùng bãi sông Đáy, có độ dốc từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Với đặc điểm địa hình như vậy xã rất phù hợp với phát triển nông nghiệp, đa dạng các loại cây công nghiệp, có thể thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

– Khí hậu:

Xã Đỗ Động nằm trong vùng đồng bằng sông hồng chịu ảnh hưởng của nhiệt đới gió mùa của miền Bắc với 2 mùa rõ rệt là mùa hè nắng nóng mua nhiều và mua đông lạnh giá, ẩm ướt. Hàng năm chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão với số giờ nắng trong năm vào khoảng 1700-1800 giờ.

– Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23.80C, nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 có thể lên đến 39-400C, nhiệt độ thấp nhất vào tháng giêng có thể xuống dưới 100C.

Lượng mưa: Mùa mưa thường vào từ tháng 5-10, lượng mưa bình quân hàng năm vào khoảng 1600-`1800 mm, cao nhất có năm đạt 2200mm, song có năm thấp chỉ đạt 1300mm.  Lượng mưa thường tập trung vào các tháng 7, 8, 9 với cường độ lớn (chiếm hơn 80%) nên thường xảy ra úng lụt cục bộ. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mùa này thường bị thiếu nước cho mùa màng.

– Độ ẩm không khí: trung bình là 80%. Tổng lượng nước bốc hơi hàng năm là 700-900mm, lượng nước bốc hơi nhỏ nhất vào tháng 12- tháng 1 năm sau và lớn nhất vào tháng 5-6

– Nắng: số giờ nắng trung bình cả năm là 1700-1800 giờ, số giờ nắng cao nhất trong năm là 2000 giờ, số giờ nắng thấp nhất trong năm là 1500 giờ.

Khi so sánh với điều kiện tối ưu cho sinh trưởng và phát triển của 2 giống lúa bắc thơm số 7 và Đài thơm số 8, thì hầu hết các yếu tố về điều kiện tự nhiên tại xã Đỗ Động  nằm trong ngưỡng tối ưu cho sinh trưởng và phát triển của 2 giống lúa này. Do đó, việc cây lúa đã và đang được phát triển và trở thành cây nông nghiệp chính của xã Đỗ Động là rất phù hợp.

Sản phẩm Gạo Bắc Thơm số 7 và Đài thơm số 8 của xã Đỗ Động hiện đang được Hợp tác xã nông nghiệp xã Đỗ Động quản lý sản xuất với gần 1500 thành viên.